“Chiêu đối phó” với trẻ lười

18/04/2024
51

Bạn sẽ làm gì khi bé ngày càng trở nên lười biếng? Bé không thích làm việc hay tự vệ sinh thân thể? Để đối phó với chứng "lười" của trẻ, những mẹo sau đây sẽ giúp các gia đình thêm vào sổ tay của mình phương pháp giáo dục ý thức cho con trẻ.

                                                                         

Vì sao bé lười?
    Không hẳn nguyên nhân do các bậc cha mẹ nuông chiều, đôi khi “lười” thuộc phạm trù… “bẩm sinh” với một số trẻ. Nhất là khi bé có anh, chị em, những việc vặt thường được… “đùn đẩy” cho người khác. Bé không chịu làm việc chỉ đơn giản bởi vì… không cảm thấy hứng thú. Với tính cách của mình, bé thậm chí không quan tâm người khác nghĩ gì về bé, chê bai, chỉ trích thói “lười” của bé.
     Những trứa trẻ có xu hướng ngại làm việc thường “kiêm” luôn lười vệ sinh thân thể như đánh răng, tắm rửa… Đa phần, các bé có thể tự ý thức được khi lớn lên nhưng một số khác lại giữ những thói quen này đến lúc trưởng thành.
    Khi con bạn có dấu hiệu “lười biếng”, hãy nhanh chóng giúp bé sửa đổi kịp thời. Điều này không chỉ giúp bé bảo vệ sức khỏe mà còn hình thành thói quen ngăn nắp, sạch sẽ, siêng năng để bé làm mọi việc khoa học hơn.
Những “chiêu đối phó” với trẻ lười:
     Để giải quyết bài toán “lười” này, các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và nhất là “đánh vào yếu tố tâm lý”: Tạo cho bé động cơ tốt để cảm thấy hứng thú trong việc giữ gìn phòng ốc sạch sẽ, ngăn nắp, vệ sinh thân thể thơm tho…
Hình mẫu lý tưởng cho bé:
     Nếu bé có một nhân vật yêu thích nào đó như: Doreamon, siêu nhân,.., bạn hãy tìm những hình ảnh các nhân vật này đang làm việc. Dán những bức ảnh này lên tường để… “ngấm dần” vào bé. Ngoài ra, hãy chuyện trò với bé về những nhân vật này theo phương diện: “Nhờ siêng năng, chăm chỉ, không lười mà các nhân vật ấy mới giỏi giang và trở nên thú vị như thế. Con có muốn được như thế không nào?”
Những trò chơi bổ ích:
   Trẻ con bao giờ cũng thích được vui chơi. Bạn hãy cùng chơi những trò thật vui với bé và khuyến khích bé bằng những phần thưởng nho nhỏ. Có thể cùng bé chơi trò sáng tạo gấp quần áo theo nhiều kiểu khác nhau, cho bé coi video clip hướng dẫn chải răng đúng cách rồi thách đố bé làm giống như vậy… Lâu dần, bé sẽ yêu thích những việc hàng ngày như thế.

Dạy trẻ vệ sinh cá nhân - Hình thành thói quen tốt cho trẻ - Góc cha mẹ

Giúp con tự mình khám phá sự thú vị khi làm việc - Ảnh minh họa

Khen ngợi khi bé làm tốt:
    Khi bé vô tình làm một việc tốt như: đẩy sát chiếc ghế vào bàn, để giày dép ngay ngắn,… bạn hãy nói với bé rằng bạn rất thích những việc làm đó của bé. Chỉ những hành động nhỏ như thế nhưng bé đã làm cho căn nhà gọn ghẽ hơn. Khi được khen, trẻ sẽ tự hào và ghi nhớ hành động đó và lập lại nhiều lần thành thói quen.
Phần thưởng cho nỗ lực:
    Hãy phân tích cho bé hiểu rằng nếu bé tự chăm sóc tốt cho mình, bạn và bé sẽ có nhiều thời gian hơn cho những hoạt động khác như: dẫn bé đi công viên, đi mua sắm những món đồ bé yêu thích. Cho bé một danh sách những việc bạn cần bé làm, nếu làm tốt thì cuối tuần hay cuối tháng sẽ được nhận phần thưởng. Cách này tuy rất hiệu quả nhưng bạn tuyệt đối không được thất hứa với bé vì sẽ phản tác dụng nếu người lớn không giữ lời với con trẻ.

Vì sao chuyên gia ủng hộ nuôi dạy con nghiêm khắc?

Quá nghiêm khắc đôi khi sẽ "phản tác dụng" với trẻ lười - Ảnh minh họa

Không la mắng, chỉ trích con:
    Như đã nói, trẻ có xu hướng “lười” thiên về tính cách sẽ… không quan tâm lắm đến việc bạn chỉ trích bé. Việc la mắng, phạt con chỉ đào thêm “hố sâu ngăn cách” và bé sẽ càng trở nên bướng bỉnh. Bạn có thể nói với bé rằng bạn rất mệt vì làm quá nhiều việc, rằng mẹ rất cần sự giúp đỡ của bé trong những việc nhỏ.
    Nhiều bà mẹ vì sốt ruột thấy bé không chịu làm việc, bạn làm giúp con tất cả. Điều này không tốt chút nào vì bé nghiễm nhiên sẽ hiểu là bạn đồng ý với tình trạng hiện tại. Sự ỷ lại vào mẹ sẽ ngày càng lớn và bé càng trở nên lười hơn. Đặc biệt, không nên so sánh với những đứa trẻ khác và ao ước có đứa trẻ siêng năng đó là con chứ không phải bé. Điều này là cấm kỵ vì bé sẽ tổn thương nặng nề và cho rằng bạn không yêu bé. Với sự lý giải, phân tích nhẹ nhàng cùng những phương pháp hợp lý, bé sẽ hiểu và không còn lười như trước.

Lớp MG nhỡ B3 - Sưu tầm

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 6 đánh giá
Chia sẻ: